Xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng

20/10/2022 00:00        
Đọc tin

TĐKT – Ngày 18/10, tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện và Tổ thẩm định kinh phí đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã họp xét duyệt đề tài: “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay” do Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đăng ký thực hiện.

GS. TS. Phạm Văn Đức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Cùng dự, có các đồng chí là thành viên Hội đồng; Tiến sĩ Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài và các cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.

Tiến sĩ Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài thuyết minh đề tài trước Hội đồng

Thuyết minh đề tài tại cuộc họp, Tiến sĩ Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: Điển hình tiên tiến là một trong những nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua, là kết quả của phong trào thi đua. Phong trào thi đua mà không có điển hình tiên tiến, thì phong trào đó không có sức sống, tác dụng, hiệu quả; mặt khác, các phong trào thi đua chính là môi trường, tạo điều kiện cho các điển hình tiên tiến có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng, để mọi người biết, học tập và làm theo, từ đó phát huy, nhân rộng cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở và phát triển nhiều thêm, cái xấu bị đẩy lùi, thu hẹp. Như vậy, phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến không chỉ là cái đích của phong trào thi đua, mà còn là động lực thúc đẩy phong trào thi đua liên tục phát triển...

Tiến sĩ Phạm Huy Giang cho biết: Trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian qua cho thấy các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, coi việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là một trong những động lực tinh thần quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn có tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; chưa được thực hiện đồng bộ ở các cấp các ngành; chưa xác định phương pháp thực hiện cụ thể, nhiều đơn vị phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến chỉ để tuyên dương, chứ chưa phải để mọi người học tập, phấn đấu vươn lên; trên thực tiễn tác dụng của một số điển hình tiên tiến còn thấp, hiệu quả nhân rộng và tính lan tỏa chưa cao; công tác sơ kết, đánh giá kết quả việc nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được thực hiện thường xuyên, chưa tạo được động lực thúc đẩy các phong trào thi đua… Những hạn chế này làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng, chưa tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu.

Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề xuất việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay”, là vấn đề mới và hết sức cần thiết, cấp bách để tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận về thi đua, khen thưởng, để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân ở các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân học tập, thi đua cùng các điển hình tiên tiến, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

GS. TS. Phạm Văn Đức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của đề tài

Mục tiêu chung của đề tài là: Nghiên cứu, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các năm tiếp theo.

Đề tài đề ra các mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu cơ sở lý luận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng; những vấn đề thực tiễn trong quá trình phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các giai đoạn phát triển của đất nước, trên cơ sở đó luận giải rõ ràng các vấn đề lý luận và thực tiễn về điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua (kết quả đạt được, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm...), đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ ngày 1/6//2014). Trên cơ sở các vấn đề lý luận, thực tiễn và đánh giá thực trạng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng diển hình tiên tiến, đề xuất quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy vai trò điển hình tiên tiến trong đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tại cuộc họp, Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của đề tài đối với việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn hiện nay; đề cương tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Hội đồng đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên hội đồng để hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thực hiện đề tài

Nguồn: thiduakhenthuongvn.org.vn

 
Danh mục
Văn bản công tác dân tộc
Liên kết nhanh